Các loại lệnh giao dịch chứng khoán, đặc điểm, cách sử dụng hiệu quả và những điều cần chú ý

Tóm tắt

  • Trong giao dịch chứng khoán tại Việt Nam có 5 lệnh giao dịch chính và phổ biến nhất là ATO, ATC, LO, lệnh thị trường MP, lệnh điều kiện, lệnh PLO.
  • Nhà đầu tư cần nắm rõ ý nghĩa chức năng của mỗi loại lệnh để có thể sử dụng hiệu quả theo tuỳ trường hợp giao dịch hay biến động thị trường

Giải thích chi tiết

Dưới đây là 5 loại lệnh phổ biến nhất trong giao dịch chứng khoán tại Việt Nam. Hãy nắm rõ ý nghĩa đặc điểm của từng lệnh để sử dụng chúng một cách hiệu quả.

Trong phần giải thích các lệnh có nhắc đến khung thời gian lệnh có thể đặt. Hãy tham khảo thêm bảng giờ giao dịch ở dưới hay xem thêm bài :  Thời gian giao dịch cổ phiếu của các sàn chứng khoán để có thêm thông tin.

1. Lệnh xác định giá mở cửa ATO, giá đóng cửa ATC

◆Ý nghĩa của lệnh ATO, ATC

Lệnh ATO (viết tắt của At The Openning) là lệnh đặt mua hoặc bán cổ phiếu tại khung giá mở cửa (ví dụ từ 8000 đồng tới 10.000 đồng) nhằm xác định giá mở cửa. Giá mở cửa sẽ được quyết định bởi giá khớp lệnh có khối lượng giao dịch lớn nhất. 

Lệnh ATC (viết tắt của At The Closing) là lệnh tương tự như ATO nhằm xác định giá đóng cửa. Giá đóng cửa sẽ được xác định bởi giá khớp lệnh có khối lượng lớn nhất.

Về bản chất, lệnh ATO và ATC giống như lệnh thị trường MP (Market Price), chỉ khác về thời gian có thể đặt lệnh.

◆Đặc điểm của lệnh ATO, ATC

  • Lệnh ATO và ATC được ưu tiên khớp lệnh trước lệnh giới hạn (lệnh thông thường)
  • Khả năng là rất thấp nhưng nếu chỉ có lệnh ATO, ATC trên sổ lệnh, sẽ không xác định được giá khớp lệnh. Lệnh ATO, ATC cần có lệnh chỉ định giá để khớp lệnh.
  • Lệnh ATO, ATC chỉ được đặt lệnh trong khung giờ nhất định. Hiện tại (năm 2021) thì lệnh ATO chỉ được thực hiện trên sàn giao dịch HOSE vào khung giờ 9:00~9:15, còn lệnh ATC được thực hiện cả trên sàn HOSE và HNX trong khung giờ 14:30~14:45. Ngoài khoảng thời gian này lệnh sẽ tự động bị huỷ nếu chưa được khớp lệnh. 
  • Lệnh không thể chỉnh sửa sau khi đặt, chỉ có thể huỷ.

◆Cách sử dụng lệnh ATO, ATC

  • Lệnh ATO, ATC được ưu tiên khớp lệnh trước lệnh thông thường nên nó là công cụ hữu hiệu để tranh mua, bán trong phiên khớp lệnh định kỳ mở cửa, đóng cửa. Nếu bạn thực sự muốn mua hay bán ngay (nhanh nhất có thể) thì hãy sử dụng lệnh ATO, ATC.

◆Những chú ý khi sử dụng lệnh ATO, ATC

  • Chú ý rằng lệnh ATO và ATC được ưu tiên về thời gian khớp lệnh nên giá mua hoặc bán có thể bị thấp hơn một chút so với mong muốn. Tuy nhiên khi thị trường biến động mạnh, lệnh ATO và ATC sẽ giúp tỷ lệ khớp lệnh cao hơn và nhanh hơn, tránh mất cơ hội tại thời điểm muốn giao dịch.
  • Khi có một lệnh với khối lượng lớn được đặt dưới dạng ATO hay ATC có thể sẽ làm thay đổi hoàn toàn giá mở cửa hay đóng cửa, thậm chí làm thay đổi biên động giá của cả ngày. Vậy nên nhà đầu tư cá nhân có số vốn nhỏ nên dành phần lớn thời gian đầu phiên ATO, ATC để quan sát, nhận định xu thế giá cổ phiếu trong phiên. Sau đó, trong những phút cuối mới đưa ra quyết định và nhập lệnh. Như vậy sẽ hạn chế rủi ro hơn.

2. Lệnh giới hạn (LO)

◆Ý nghĩa của lệnh giới hạn LO

Lệnh giới hạn (LO) (viết tắt của Limit Order) là lệnh đặt mua hoặc bán cổ phiếu tại một mức giá xác định hoặc tốt hơn. Lệnh có hiệu lực kể từ khi được nhập vào hệ thống giao dịch cho tới hết ngày giao dịch hoặc cho tới khi lệnh bị huỷ bỏ.

Lệnh giới hạn (LO) là lệnh phổ biến nhất trong giao dịch chứng khoán, chiếm tới trên 95% số lệnh được thực hiện trên các sàn chứng khoán. Vậy nên khi nói đến đặt lệnh giao dịch, thông thường người ta ám chỉ về lệnh này.

◆Đặc điểm của lệnh giới hạn LO

  • Lệnh giới hạn được đặt với mức giá muốn giao dịch rõ ràng
  • Lệnh giới hạn có mức độ ưu tiên khớp lệnh sau lệnh ATO và ATC
  • Lệnh sau khi được đặt sẽ phải chờ xếp hàng cho tới khi có bên đối ứng chứ không khớp ngay lập tức. 
  • Có thể sửa lệnh nếu chưa khớp hoặc chưa khớp hết.
  • Lệnh LO có thể được sử dụng trên cả 3 sàn HOSE, HNX, UPCOM và trong tất cả các phiên giao dịch bao gồm cả phiên ATO, ATC.

◆Cách sử dụng lệnh giới hạn LO

  •  Khác với lệnh ATO và ATC ở trên, nhà đầu tư cần xác định giá muốn mua hay bán khi đặt lệnh giới hạn LO. Nói cách khác nhà đầu tư có thể chủ động tính toán % lợi nhuận, tránh bớt rủi ro bị mua giá cao hay bán giá thấp.
  • Nhà đầu tư có thể dùng lệnh LO trong phiên khớp lệnh ATO, ATC để có thể khớp với giá tốt nhất. Cụ thể nếu bạn đặt mua với giá cao hơn giá cuối cùng thì sẽ được khớp với giá cuối cùng ( giá thấp hơn giá bạn đặt), còn nếu đặt giá thấp hơn thì không khớp lệnh. Ngược lại khi bán, nếu đặt bán với giá thấp hơn giá cuối thì sẽ được khớp với giá cuối (cao hơn giá đặt), nếu đặt giá cao hơn sẽ không khớp lệnh.

3. Lệnh thị trường (MP)

◆Ý nghĩa của lệnh thị trường

Lệnh thị trường (MP) (viết tắt của Market Price) là lệnh mua, bán chứng khoán tại mức giá bán thấp nhất hay giá mua cao nhất hiện có trên thị trường (có trên sổ lệnh).

◆Đặc điểm của lệnh thị trường

  • Khi đặt lệnh này, bạn không cần nhập giá mà chỉ cần nhập MP và khối lượng mua bán.

  • Lệnh MP được thực hiện ở mức giá tốt nhất tại sàn giao dịch. Điều này có nghĩa là nếu bạn mua bằng lệnh MP, giá khớp là giá thấp nhất của người bán và nếu bạn bán bằng lệnh MP, giá thầu cao nhất sẽ được ưu tiên.
  • Lệnh được đặt và có hiệu lực trong phiên khớp lệnh liên tục (ngoài phiên ATO, ATC và khớp lệnh sau giờ)
  • Lệnh MP sẽ tự động huỷ nếu không có lệnh giới hạn LO đối ứng cùng thời điểm.
  • Nếu khối lượng đặt lệnh của lệnh MP vẫn chưa được thực hiện hết, lệnh MP sẽ tự động được xem là lệnh mua tại mức giá bán cao hơn hoặc lệnh bán tại mức giá mua thấp hơn tiếp theo hiện có trên thị trường và tiếp tục so khớp.
  • Ưu điểm: Ra vào thị trường nhanh, nếu đúng như dự đoán thì có thể chạy trước đón đầu để giảm lỗ, tăng lãi.
  • Nhược điểm: Lệnh MP thường được xử lý theo tâm lý không ổn định của các nhà đầu tư mới, đôi khi việc bỏ qua tính thanh khoản của thị trường có thể gây tổn thất lớn cho nhà đầu tư.

◆Cách sử dụng lệnh thị trường MP

  •  Cũng giống như lệnh ATO, ATC, Lệnh thị trường MP có thể sử dụng khi nhà đầu tư xác định chính xác thời điểm mua bán thích hợp và muốn được khớp lệnh càng nhanh càng tốt.

◆Chú ý khi sử dụng lệnh thị trường MP

  •  Lệnh thị trường MP ưu tiên thời gian khớp lệnh (khớp lệnh ngay sau khi đặt lệnh nếu có lệnh LO đối ứng), nên giá mua sẽ là giá cao nhất và giá bán sẽ là giá thấp nhất tại thời điểm đặt lệnh. Nó không phù hợp với ai muốn nhắm chính xác từng con số.
  • Như đã nêu trong phần nhược điểm của lệnh ở trên, khi thị trường có biến động, tâm lý nhà đầu tư bị giao động, rất nhiều người sử dụng lệnh MP để thực hiện ồ ạt việt mua, bán. Dẫn tới biên độ giao động của thị trường trở nên rất lớn. Nếu nhà đầu tư nhập lệnh MP sau các nhà đầu tư khác cùng đặt lệnh MP, khả năng bị khớp lệnh với giá mua đỉnh hay bán sàn là khá cao. Và khi thị trường quay đầu sẽ dẫn tới việc thua lỗ. Trong trường hợp như vậy, nhà đầu tư nhỏ lẻ nên bình tĩnh theo dõi thêm biến động hoặc sử dụng lệnh giới hạn LO tránh bị giao dịch ngoài ý muốn.

4. Lệnh điều kiện (lệnh chờ)

◆Ý nghĩa của lệnh điều kiện

Lệnh điều kiện (lệnh chờ) trong tiếng anh gọi là Conditional Order, là lệnh giới hạn LO được đặt có đi lèm với điều kiện như về thời gian, về giá, về quy luật phát sinh lệnh. Lệnh này giúp nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua/bán với giá mục tiêu mong muốn khi giá cổ phiếu chạm một mức giá mục tiêu đã định trước, giúp  giảm thiểu các rủi ro và chớp cơ hội mua/bán trước sự biến động bất ngờ của thị trường.

◆Đặc điểm của lệnh điều kiện

  • Lệnh sau khi được đặt sẽ ở trạng thái chờ kích hoạt, chưa được đẩy vào danh sách lệnh chờ gửi vào sàn. Lệnh chỉ được kích hoạt và đẩy vào sàn khi đạt điều kiện đã đặt ra. 
  • Lệnh có hiệu lực trong nhiều phiên giao dịch trước khi nó được khớp lệnh hoặc bị huỷ hay hết hạn hiệu lực (30 ngày)
  • Lệnh có thể được khớp từng phần. Phần còn lại vẫn tiếp tục còn hiệu lực.

◆Cách sử dụng lệnh điều kiện

  •  Lệnh điều kiện là lệnh hữu hiệu đối với nhà đầu tư không có nhiều thời gian theo dõi thị trường chứng khoán liên tục do vấn đề như chăm sóc gia đình, nội trợ hay có công việc ở công ty cơ quan. Đặc biệt với việc cài thêm điều kiện xu hướng (Trailing Stop Order), nhà đầu tư có thể bắt được cận đáy khi thị trường có xu hướng tăng lại, hay chốt lãi tại sát đỉnh khi thị trường có xu hướng rớt giá.

◆Chú ý khi sử dụng lệnh điều kiện

  •  Trong một số trường hợp, giá thị trường biến động quá nhanh, tốc độ nhận kết quả và xử lý đẩy lệnh của hệ thống không theo kịp dẫn tới tình trạng lệnh không được kích hoạt như điều kiện đặt sẵn.

5. Lệnh khớp lệnh sau giờ (PLO)

◆Ý nghĩa của lệnh khớp lệnh sau giờ

Lệnh khớp lệnh sau giờ (PLO) (viết tắt của Post Limited Order) là lệnh mua hoặc bán chứng khoán tại mức giá đóng cửa sau khi kết thúc phiên khớp lệnh định kỳ.

◆Đặc điểm của lệnh khớp lệnh sau giờ

  •  
  • Giá của lệnh PLO được xác định là giá đóng cửa của ngày hôm đó. Mức giá này cố định và bạn không được phép sửa hay huỷ lệnh PLO. Nhà đầu tư chỉ cần nhập số lượng cổ phiếu cần giao dịch vào hệ thống.
  • Lệnh PLO cần có lệnh đối ứng để được khớp lệnh. Và sẽ khớp lệnh ngay lập tức khi có lệnh đối ứng.
  • Lệnh chỉ được đặt trong khung giờ 14:45~15:00 hàng ngày cho các mã niêm yết trên sàn HNX. (Sàn HOSE trong cùng khung giờ là phiên giao dịch thoả thuận).

※Trong cùng khung giờ, tại sàn HOSE (hay nói cách khác là các mã cổ phiếu niêm yết trên HOSE) là phiên giao dịch thoả thuận.

◆Cách sử dụng lệnh khớp lệnh sau giờ

  •  Nhà đầu tư có thể sử dụng lệnh khớp lệnh sau giờ nếu cảm thấy giá đóng cửa của ngày hôm đó là chấp nhận được và xem đó là giá đáy hoặc cận đáy. Vậy nên cũng có thể nói trong 15 phút phiên giao dịch khớp lệnh sau giờ này là cơ hội cuối cùng của ngày để mua hoặc bán dành cho những nhà đầu tư đang còn băn khoăn, đắn đo hay bỏ lỡ mất cơ hội giao dịch trong ngày.

◆Chú ý khi sử dụng lệnh khớp lệnh sau giờ

  •  Lệnh PLO cần có lệnh đối ứng để khớp lệnh, vì vậy tỷ lệ khớp lệnh phụ thuộc vào khối lượng của lệnh đối ứng, nhiều trường hợp nhà đầu tư không thể chủ động hoặc giao dịch được như ý muốn.
  • Lệnh PLO không được sửa hay huỷ lệnh sau khi đặt, vậy nên hãy kiểm tra kỹ khối lượng muốn giao dịch, phân tích tình hình thị trường kỹ trước khi nhập lệnh.
Copied title and URL